Trách nhiệm khai, nộp thuế giá trị gia tăng của chi nhánh

nop khi thue gia tri gia tang chi nhanh

Thuế Giá Trị Gia Tăng - Xác định đối Tượng áp Dụng Thuế GTGT

Đối với các hoạt động kinh doanh tại chi nhánh của doanh nghiệp thì việc khai, nộp thuế giá trị gia tăng sẽ thuộc trách nhiệm của Doanh nghiệp hay thực hiện tại chi nhánh đó? Hồ sơ khai thuế GTGT gồm những gì? Nếu chi nhánh không phát sinh doanh thu thì thực hiện kê khai thuế GTGT ra sao? Những nội dung này sẽ được kế toán Gtax chia sẻ ngay sau đây:

Trách nhiệm khai, nộp thuế GTGT cho chi nhánh

Bên cạnh quy định về trách nhiệm kê khai thuế GTGT của trụ sở chính doanh nghiệp thì tùy theo mỗi trường hợp cụ thể, chi nhánh (hoặc đơn vị trực thuộc) của doanh nghiệp cũng có trách nhiệm khai, nộp thuế GTGT theo qui định.

a. Trường hợp chi nhánh cùng địa phương với doanh nghiệp

Nếu chi nhánh ở cùng địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ kê khai thuế GTGT cho cả chi nhánh.

Nhưng nếu chi nhánh có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng, trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế GTGT đầu vào, đầu ra và có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng thì phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng.

khai thue gia tri gia tang cho chi nhanh
Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp, khai thuế giá trị gia tăng cho chi nhánh

b. Trường hợp chi nhánh khác địa phương với doanh nghiệp

Nếu chi nhánh ở khác địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với doanh nghiệp thì bạn tiến hành thực hiện theo một trong hai tình huống cụ thể như sau:

  • Nếu chi nhánh trực tiếp bán hàng, có phát sinh doanh thu và hạch toán độc lập thì chi nhánh sẽ thực hiện khai, nộp thuế tại cơ quan thuế quản lý cấp trên trực tiếp của chi nhánh.

Ví dụ: Doanh nghiệp có dự án kinh doanh bất động sản ở địa phương cấp tỉnh khác nơi đặt trụ sở chính doanh nghiệp và có thành lập chi nhánh ở địa phương đó thì chi nhánh sẽ thực hiện đăng ký thuế và nộp thuế.

Nhưng nếu doanh nghiệp kinh doanh nông, lâm, thủy sản mà điều chuyển, xuất bán về trụ sở chính của doanh nghiệp thì khi điều chuyển, xuất bán, chi nhánh sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ nhưng không sử dụng hóa đơn GTGT.

  • Nếu chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì doanh nghiệp phải thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
  • Lưu ý đối với doanh nghiệp khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ:
    • Nếu chi nhánh có hạch toán kế toán thì phải đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại cơ quan quản lý thuế trực tiếp của chi nhánh. Khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho doanh nghiệp thì phải sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng làm căn cứ kê khai, nộp thuế tại cơ quan quản lý thuế trực tiếp của chi nhánh.
    • Nếu chi nhánh không thực hiện hạch toán kế toán thì doanh nghiệp thực hiện khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế cho chi nhánh.

Hồ sơ khai, nộp thuế GTGT cho chi nhánh

gồm có:

  1. Bảng phân bổ thuế GTGT (theo mẫu số 01-6/GTGT ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC);
  2. Chứng từ thuế nộp thuế GTGT;
  3. Hồ sơ khai thuế GTGT

Lưu ý: Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi trụ sở chính đăng ký kê khai thuế và địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc.

Cập nhật hồ sơ khai và nộp thuế GTGT cho chi nhánh theo quy định mới nhất:

Sau đây Kế toán GTAX chia sẻ những cập nhật hồ sơ khai và nộp thuế GTGT cho chi nhánh theo quy định mới nhất như sau:

  1. Bảng phân bổ thuế GTGT (Mẫu 01-6/GTGT): Hiện nay, chi nhánh phải sử dụng mẫu phân bổ thuế GTGT mới nhất theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn bổ sung từ Bộ Tài chính. Mẫu số 01-6/GTGT cần điền đầy đủ thông tin về số thuế GTGT đầu vào, đầu ra được phân bổ giữa trụ sở chính và chi nhánh.
  2. Chứng từ nộp thuế GTGT: Chứng từ nộp thuế cần được lập đúng với mẫu cập nhật theo Thông tư 80/2021/TT-BTC. Trong chứng từ nộp thuế, cần ghi rõ mã số thuế của doanh nghiệp và nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước. Chứng từ phải xác nhận rõ địa điểm nộp thuế là tại nơi cơ sở sản xuất hoặc tại trụ sở chính theo quy định cụ thể của loại hình hạch toán của chi nhánh.
  3. Hồ sơ khai thuế GTGT:
    • Hồ sơ khai thuế GTGT điện tử: Doanh nghiệp cần kê khai thuế GTGT qua hệ thống điện tử theo quy định tại Thông tư 19/2021/TT-BTC và Thông tư 40/2021/TT-BTC.
    • Tờ khai thuế GTGT theo Mẫu 01/GTGT: Tờ khai thuế phải đi kèm với các bảng phân bổ và chứng từ nộp thuế, trong đó ghi rõ số thuế phát sinh tại chi nhánh.

Lưu ý mới nhất:

  • Doanh nghiệp cần theo dõi các quy định bổ sung liên quan đến miễn giảm thuế hoặc điều chỉnh mức thuế suất trong các nghị định mới như Nghị định 44/2023/NĐ-CP (về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp) để đảm bảo quyền lợi.
  • Trên chứng từ nộp thuế, thông tin cần chính xác về mã số thuế của cơ quan thuế địa phương nơi chi nhánh hoặc trụ sở chính hoạt động.

Nơi nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng

Hồ sơ khai thuế GTGT phải được nộp tại cơ quan quản lý thuế trực tiếp của cả trụ sở chính và các chi nhánh của doanh nghiệp. Quy định về nơi nộp hồ sơ khai thuế phụ thuộc vào loại chi nhánh:

  1. Chi nhánh hạch toán phụ thuộc:
    • Nếu chi nhánh hạch toán phụ thuộc vào trụ sở chính và không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu, thì doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế GTGT tại cơ quan quản lý thuế của trụ sở chính.
    • Nếu chi nhánh trực tiếp bán hàng và phát sinh doanh thu, chi nhánh sẽ kê khai thuế GTGT tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh.
  2. Chi nhánh hạch toán độc lập:
    • Chi nhánh có trách nhiệm kê khai và nộp thuế GTGT tại cơ quan quản lý thuế trực tiếp của chi nhánh, độc lập với doanh nghiệp mẹ.

Lưu ý:

  • Doanh nghiệp cần theo dõi địa phương nơi chi nhánh hoạt động để thực hiện nộp thuế đúng theo quy định của cơ quan thuế địa phương.
  • Khi thực hiện nộp thuế, cần ghi rõ tài khoản thu ngân sách Nhà nước tại Kho bạc Nhà nước tương ứng với cơ quan thuế quản lý nơi chi nhánh hoặc trụ sở chính đăng ký.

Xác định số thuế GTGT phải nộp của chi nhánh

Số thuế GTGT phải nộp của các chi nhánh được xác định theo tỷ lệ % trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra, cụ thể:

  •  Bằng 2% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10%)
  •  Bằng 1% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5%)
nop khi thue gia tri gia tang chi nhanh
Mức thuế giá trị gia tăng cho chi nhánh căn cứ vào tỷ lệ % trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra

Ví dụ: 

Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10% và do trụ sở chính xuất bán.

Trong kỳ khai thuế tháng 8/2017: doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 500 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 600 triệu.

Nếu số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính của công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 25 triệu đồng, thì:

  • Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hải Phòng là: 500 triệu x 2% = 10 triệu đồng.
  • Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hưng Yên là: 600 triệu x 2% = 12 triệu đồng.
  • Tổng số thuế GTGT của 02 chi nhánh là : 10 triệu + 12 triệu = 22 triệu.
  • Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hà Nội là: 25 triệu – 22 triệu = 3 triệu đồng.

Trường hợp tổng số thuế GTGT phải nộp cho các chi nhánh xác định theo nguyên tắc nêu trên lớn hơn số thuế GTGT phải nộp của doanh nghiệp tại trụ sở chính thì doanh nghiệp tự phân bổ số thuế phải nộp cho các chi nhánh (địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc) như sau:

Số thuế GTGT phải nộp = số thuế GTGT phải nộp của doanh nghiệp tại trụ sở chính (x) tỷ lệ (%) giữa doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm do chi nhánh sản xuất ra hoặc sản phẩm cùng loại trên tổng doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra của toàn doanh nghiệp.

Tiếp tục ví dụ trên, số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính của công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 20 triệu đồng, thì:

Số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương sẽ lớn hơn số thuế GTGT phải nộp của Công ty A tại trụ sở chính.

Vì vậy, Công ty A tự phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương như sau:

  • Số thuế GTGT phải nộp cho Hải Phòng là: 20 triệu x 500 triệu / (500 triệu + 600 triệu) = 9,09 triệu đồng.
  • Số thuế GTGT phải nộp cho Hưng Yên là: 20 triệu x 600 triệu / (500 triệu + 600 triệu) = 10,91 triệu đồng.

Còn nếu người nộp thuế không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính thì sẽ không phải nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất.

Ví dụ (tiếp tục ví dụ trên)

Nếu công ty A không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính thì công ty A cũng không phải nộp thuế GTGT cho Hải Phòng và Hưng Yên.

Các câu hỏi thường gặp về tính thuế GTGT cho chi nhánh

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp khi thực hiện khai thuế GTGT cho chi nhánh:

Chi nhánh có cần khai thuế GTGT riêng không?

Nếu chi nhánh có hoạt động kinh doanh và phát sinh doanh thu, chi nhánh phải khai thuế GTGT riêng. Trường hợp chi nhánh không trực tiếp kinh doanh, không phát sinh doanh thu thì có thể khai chung với trụ sở chính.

Chi nhánh khác tỉnh với trụ sở chính khai thuế GTGT như thế nào?

Nếu chi nhánh hoạt động tại địa phương khác tỉnh với trụ sở chính và có hoạt động sản xuất kinh doanh, chi nhánh phải đăng ký và khai thuế GTGT tại cơ quan thuế nơi chi nhánh đặt trụ sở.

Chi nhánh hạch toán phụ thuộc có cần khai thuế GTGT không?

Chi nhánh hạch toán phụ thuộc thường không cần khai thuế GTGT riêng mà sẽ được công ty mẹ khai và nộp chung. Tuy nhiên, nếu chi nhánh phát sinh doanh thu, có thể yêu cầu khai riêng.

Chi nhánh cần những chứng từ nào khi nộp thuế GTGT?

Bao gồm hồ sơ khai thuế GTGT theo mẫu, bảng phân bổ thuế GTGT, và chứng từ nộp thuế GTGT vào ngân sách nhà nước.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế GTGT cho chi nhánh là khi nào?

Chi nhánh phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT theo tháng hoặc theo quý, tùy thuộc vào mức doanh thu của doanh nghiệp mẹ.

Chi nhánh có thể nộp thuế GTGT ở đâu?

Hồ sơ khai thuế GTGT sẽ được nộp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh hoặc trụ sở chính (tùy thuộc vào việc chi nhánh hạch toán độc lập hay phụ thuộc).

Chi nhánh có được hoàn thuế GTGT không?

Chi nhánh có thể được hoàn thuế GTGT nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật hiện hành, như trường hợp xuất khẩu hoặc mua sắm tài sản cố định có giá trị lớn.

Trên đây là những thông tin chi tiết nội dung bài viết “Trách nhiệm khai, nộp thuế giá trị gia tăng của chi nhánh” nhằm tránh sai sót dẫn đến nộp sai số thuế phải nộp hoặc thực hiện kê khai sai với qui định, Kế toán GTAX khuyên Bạn nên sử dụng dịch vụ kế toán trọn gói của chúng tôi. Chúng tôi cam kết  Bạn sẽ hài lòng với chi phí và sự chuyên nghiệp từ nhân viên tư vấn GTAX.

Và đặc biệt chỉ duy nhất Dịch vụ kế toán trọn gói GTAX cam kết hoàn 100% chi phí nếu Bạn KHÔNG HÀI LÒNG về dịch vụ hoặc thái độ của nhân viên chúng tôi.

CÔNG TY TƯ VẤN VÀ DỊCH VỤ KẾ TOÁN GTAX

  • Trụ sở: Phòng 1901, Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Q.1, Tp Hồ Chí Minh
  • CN1: Tầng trệt, Toà nhà Rosana, 60  Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, Tp Hồ Chí Minh
  • CN2: P.805, Khu B, Toà Nhà IndoChina, 04 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, Tp Hồ Chí Minh
  • TEL: (028) 2221 6789
  • WEB: https://gtax.vn
  • Fanpage: https://www.facebook.com/ketoangtax/