Cửa Hàng Tiện Lợi Có Cần Xin Giấy Phép An Ninh Trật Tự Không?
Tôi dự định mở một cửa hàng tiện lợi kinh doanh qua đêm chuyên bán các sản phẩm dạng tạp hoá. Vậy mở cửa hàng như trên có phải xin giấy phép an ninh trật tự không?
Gtax xin tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 33/2010/TT-BCA quy định về các ngành nghề kinh doanh phải xin giấy phép an ninh trật tự như sau:
Các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 72/2009/NĐ-CP; khoản 6 Điều 16, khoản 2 Điều 26, khoản 3 Điều 29, khoản 4 Điều 33, khoản 3 Điều 37 Nghị định số 107/2009/NĐ-CP và khoản 1 Điều 16 Nghị định số 109/2009/NĐ-CP, bao gồm:
1. Sản xuất con dấu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang; dấu chức danh, dấu tiêu đề, dấu chữ ký và các loại con dấu khác.
2. Sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) gồm hoạt động sản xuất, tái chế, bảo quản, mua, bán thuốc nổ công nghiệp và phụ kiện nổ công nghiệp, Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) để sử dụng cho mục đích dân dụng.
3. Hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) gồm dịch vụ nổ mìn và các ngành, nghề mà trong quá trình sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên).
4. Sản xuất, kinh doanh, sửa chữa công cụ hỗ trợ, gồm các hoạt động sản xuất, lắp ráp, mua, bán công cụ hỗ trợ, phụ kiện của công cụ hỗ trợ, sửa chữa công cụ hỗ trợ.
5. Sản xuất pháo hoa, gồm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa và nguyên liệu cho sản xuất pháo hoa.
6. Cho thuê lưu trú, gồm các hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ hoặc các hình thức cho thuê lưu trú khác cho khách nghỉ qua đêm hoặc theo giờ.
Tổ chức, cá nhân cho công dân Việt Nam thuê nhà để ở, lao động, học tập không thuộc đối tượng điều chỉnh tại Nghị định số 72/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này nhưng phải thực hiện theo quy định của Luật Cư trú.
7. Cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài thuê nhà để ở hoặc làm văn phòng.
8. Hoạt động in, bao gồm chế bản in, in, gia công sau in và Photocopy mầu.
9. Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm các hoạt động kinh doanh cho vay tiền với điều kiện người vay phải có tài sản cầm cố.
10. Kinh doanh karaoke, gồm các hình thức kinh doanh hoạt động ca hát theo băng hình, đĩa hình hoặc các công nghệ ghi hình khác.
11. Kinh doanh vũ trường, gồm các hình thức kinh doanh hoạt động khiêu vũ tại các cơ sở kinh doanh đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
12. Kinh doanh dịch vụ xoa bóp (massage, tẩm quất), gồm các phương pháp vật lý trị liệu nhằm phục hồi và nâng cao sức khỏe con người (trừ các cơ sở giải quyết việc làm cho người khuyết tật).
13. Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
14. Kinh doanh Casino.
15. Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
16. Kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng LPG (gas), gồm đại lý kinh doanh gas, các cửa hàng bán gas chai, trạm nạp gas vào chai và ô tô, trạm cấp gas.
17. Sản xuất, kinh doanh thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, gồm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu cờ hiệu, đèn, còi phát tín hiệu ưu tiên của xe cơ giới.
18. Sửa chữa súng săn, gồm các hoạt động sửa chữa, thay thế các phụ kiện của các loại súng săn khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
==> Theo quy định nêu trên ngành nghề bạn kinh doanh không cần phải xin giấy phép an ninh, trật tự. Bạn chỉ cần đăng ký kinh doanh và hoạt động bình thường.