Gọi vốn là bước quyết định trong hành trình phát triển của bất kỳ startup nào. Quá trình này không chỉ đơn thuần là tìm kiếm nguồn tiền mà còn liên quan đến việc định vị giá trị doanh nghiệp, xây dựng lòng tin với nhà đầu tư và xác định chiến lược phát triển lâu dài. Để có kế hoạch gọi vốn hiệu quả, bạn cần hiểu rõ giai đoạn khởi nghiệp của mình, nhu cầu về vốn, và chiến lược chinh phục nhà đầu tư. Thông qua nội dung này Kế toán Gtax sẽ cùng bạn xem xét kỹ lưỡng các chiến lược gọi vốn cũng như hướng đẫn bạn cách đặt mục tiêu thành công. Giờ chúng ta bắt đầu thôi,
Mục Lục
Chiến Lược Gọi Vốn Và Đặt Mục Tiêu Thành Công Cho Startup: Hướng Dẫn Từ A-Z
1. Giai đoạn gọi vốn và chiến lược tiếp cận nhà đầu tư
Các startup thường huy động vốn theo từng giai đoạn (stage). Mỗi giai đoạn phát triển sẽ yêu cầu một mức vốn khác nhau và mục tiêu sử dụng vốn cụ thể.
- Giai đoạn Seed: Đây là giai đoạn đầu tiên khi ý tưởng đang được hình thành. Nhà sáng lập thường sử dụng tiền cá nhân hoặc nguồn vốn từ bạn bè, gia đình để phát triển sản phẩm mẫu (MVP). Vòng seed hiện tại thường huy động từ 100.000 USD đến 500.000 USD tùy thuộc vào lĩnh vực và thị trường mục tiêu.
- Giai đoạn Pre-seed/Angel round: Trong giai đoạn này, nhà sáng lập có thể kêu gọi các nhà đầu tư cá nhân hoặc nhóm angel investors với mục tiêu chứng minh sản phẩm có khả năng tiếp cận thị trường. Mức đầu tư có thể dao động từ 50.000 USD đến 1 triệu USD.
- Giai đoạn Series A: Đây là lúc startup đã có sản phẩm trên thị trường và cần thêm vốn để mở rộng quy mô. Các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) thường tham gia vào vòng này, với mức đầu tư trung bình từ 2 triệu USD đến 10 triệu USD.
- Giai đoạn Series B và C: Những vòng này dành cho các doanh nghiệp đã khẳng định vị thế và muốn mở rộng quy mô lớn hơn, phát triển thị trường quốc tế hoặc tăng cường các hoạt động chiến lược. Vốn huy động có thể từ 10 triệu USD đến hàng trăm triệu USD tùy thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp.
2. Xác định số vốn cần huy động cho từng giai đoạn
Mỗi giai đoạn phát triển của startup yêu cầu một mức vốn khác nhau để đạt các mục tiêu cụ thể. Để xác định chính xác số vốn cần huy động, bạn cần:
- Xây dựng lộ trình phát triển (roadmap): Lập kế hoạch cụ thể về các cột mốc quan trọng mà doanh nghiệp cần đạt được (ví dụ: hoàn thiện sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu). Các cột mốc này là cơ sở để thuyết phục nhà đầu tư về tiềm năng tăng trưởng của bạn.
- Ước tính chi phí cần thiết cho từng giai đoạn: Mỗi cột mốc trong lộ trình sẽ đi kèm với các chi phí vận hành, phát triển sản phẩm, marketing, tuyển dụng nhân sự, v.v. Dựa trên các chi phí này, bạn sẽ xác định số vốn cần thiết cho từng giai đoạn.
- Tính toán tỷ lệ chi tiêu hàng tháng: Startup cần đảm bảo rằng số tiền gọi vốn đủ để duy trì hoạt động trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng. Điều này giúp giảm rủi ro phải gọi vốn thêm trong thời gian ngắn, tạo sự ổn định cho quá trình phát triển.
- Định giá doanh nghiệp trước khi gọi vốn (Pre-money Valuation): Trước khi bắt đầu quá trình gọi vốn, cần thực hiện định giá công ty. Định giá này sẽ phản ánh giá trị hiện tại của doanh nghiệp và được dùng làm cơ sở để xác định tỷ lệ cổ phần mà bạn sẽ phải chia cho nhà đầu tư. Định giá Pre-money có thể dựa trên nhiều yếu tố như tiềm năng thị trường, doanh thu hiện tại, và sở hữu trí tuệ của công ty.
==> Xem thêm: Các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp
3. Định giá doanh nghiệp và cách tính toán
Định giá Pre-money và Post-money là hai khái niệm quan trọng trong quá trình gọi vốn. Pre-money thể hiện giá trị doanh nghiệp trước khi nhận vốn đầu tư, trong khi Post-money là giá trị doanh nghiệp sau khi nhận vốn.
- Cách tính định giá Post-money:
Post-money = Pre-money + Số vốn gọi được.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp của bạn được định giá 2 triệu USD (Pre-money) và bạn huy động được 500.000 USD, thì Post-money valuation của bạn sẽ là 2.5 triệu USD.
Các yếu tố chính ảnh hưởng đến định giá doanh nghiệp:
- Quy mô thị trường: Nhà đầu tư sẽ quan tâm đến tiềm năng thị trường mà bạn đang nhắm tới. Thị trường lớn đồng nghĩa với cơ hội tăng trưởng lớn.
- Doanh thu dự kiến: Startup của bạn có khả năng tạo ra bao nhiêu doanh thu trong 3-5 năm tới?
- Sở hữu trí tuệ: Bạn có bằng sáng chế, thương hiệu, hoặc những tài sản trí tuệ khác không? Đây là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh.
- Nhóm sáng lập: Kinh nghiệm và năng lực của đội ngũ sáng lập cũng đóng vai trò quan trọng trong định giá.
- Sức hút thị trường: Bạn có lượng khách hàng, người dùng ổn định không? Tốc độ tăng trưởng của khách hàng như thế nào?
4. Kế hoạch sử dụng vốn
Sau khi xác định số vốn cần huy động, bạn cần lập kế hoạch sử dụng nguồn vốn một cách minh bạch và hiệu quả để thuyết phục nhà đầu tư. Một kế hoạch sử dụng vốn tốt cần nêu rõ:
- Số tiền đã đầu tư vào dự án đến thời điểm hiện tại.
- Số tiền cần huy động trong vòng gọi vốn hiện tại.
- Thời điểm cần huy động vốn và kế hoạch chi tiêu: Ví dụ, bạn sẽ chi bao nhiêu cho phát triển sản phẩm, marketing, hoặc mở rộng nhân sự.
- Cột mốc quan trọng mà bạn sẽ đạt được với số vốn này.
- Dự tính khi nào cần gọi thêm vốn hoặc khả năng tự duy trì dòng tiền.
5. Huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư
Đối với những khoản đầu tư lớn, đặc biệt là trên 500.000 USD, việc huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư là điều phổ biến. Mỗi nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư có thể giới hạn số tiền mà họ có thể đầu tư vào một công ty. Ví dụ, một nhóm đầu tư có thể chỉ đóng góp từ 50.000 USD đến 250.000 USD. Vì vậy, để huy động được số tiền lớn hơn, bạn cần kết hợp nhiều nguồn đầu tư.
Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét việc kết hợp các hình thức huy động khác như crowdfunding hoặc các chương trình hỗ trợ từ các tổ chức phát triển khởi nghiệp (accelerators).
6. Rủi ro khi huy động quá ít hoặc quá nhiều vốn
- Huy động quá ít vốn: Điều này có thể dẫn đến việc bạn không đủ nguồn lực để đạt được các cột mốc quan trọng, làm giảm giá trị doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư. Thường thì các nhà đầu tư sẽ nhấn mạnh rằng bạn cần thêm vốn để thực hiện mục tiêu.
- Huy động quá nhiều vốn: Ngược lại, nếu bạn huy động quá nhiều vốn mà không có kế hoạch sử dụng hiệu quả, điều này có thể gây lãng phí và làm loãng cổ phần của bạn quá sớm. Nhà sáng lập giàu kinh nghiệm thường khuyến khích huy động vốn vừa đủ để đạt các mục tiêu ngắn hạn và duy trì sự linh hoạt trong các vòng gọi vốn sau.
7. Chia cổ phần cho nhà đầu tư và nhân viên
Để gọi vốn thành công, nhà sáng lập cần chuẩn bị sẵn sàng chia sẻ quyền sở hữu công ty cho nhà đầu tư. Thông thường, nhà đầu tư sẽ yêu cầu từ 10% đến 30% cổ phần trong vòng gọi vốn đầu tiên. Ngoài ra, bạn cần dành khoảng 10% đến 20% cổ phần cho nhân viên chủ chốt (Employee Stock Option Pool – ESOP) để giữ chân nhân tài và đảm bảo sự cam kết dài hạn.
Việc chia cổ phần này phải được tính toán kỹ lưỡng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền kiểm soát và tỷ lệ sở hữu của các nhà sáng lập.
==> Xem thêm: Góp vốn, phân chia lợi nhuận, chia cổ tức trong công ty cổ phần
8. Đánh giá hiệu quả gọi vốn
Sau mỗi vòng gọi vốn, cần thường xuyên đánh giá lại hiệu quả sử dụng vốn. Điều này giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho các vòng gọi vốn tiếp theo, đồng thời duy trì sự minh bạch và lòng tin với các nhà đầu tư hiện tại.
Câu chuyện gọi vốn khởi nghiệp của A Phủ
Khi bắt đầu một dự án khởi nghiệp, câu hỏi đầu tiên mà các doanh nhân thường đặt ra là: “Tiền ở đâu?” Việc gọi vốn là một bước quan trọng, và hiểu rõ về các vòng gọi vốn là điều cần thiết để xây dựng một kế hoạch tài chính vững chắc.
Gọi vốn đầu tư – kêu gọi người khác bỏ tiền ra cho mình làm, hay nói cách khác là bạn đi bán ý tưởng, bán dự án kinh doanh của mình. Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện, hi vọng, sau khi đọc xong bạn sẽ hình dung và hiểu được phần nào về gọi vốn và quy trình gọi vốn.
==> Xem thêm: 10 Chiến Lược Gọi Vốn Hiệu Quả Cho Doanh Nghiệp Mới
Có một điều bạn luôn PHẢI NHỚ: Nhà đầu tư là nhà đầu tư, họ không phải là nhà từ thiện. Điều họ quan tâm khi đầu tư là: Trong vụ này mình có thể kiếm được bao nhiêu. Họ đầu tư đầu tiên là vì họ chứ không phải vì bạn hay dự án của bạn!
A Phủ khởi nghiệp
A Phủ có một ý tưởng, một dự án, một kế hoạch kinh doanh rất khả thi là: Săn, nuôi lợn rừng giống, phát triển quy mô đàn lợn xây dựng thương hiệu và bán thịt lợn rừng sạch. Mọi thứ anh đã lên kế hoạch tỉ mỉ triển khai là chắc thắng(tất nhiên đó là theo suy nghĩ của cá nhân anh ta). Ngặt một nỗi, anh không có tiền vốn. Và anh bắt đầu đi gọi vốn đầu tư để triển khai ý tưởng to lớn của mình. À mà thôi, cứ gọi là anh đi bán ý tưởng kinh doanh của mình.
Giai đoạn 1
Trước khi đi bán ý tưởng kinh doanh của mình, A Phủ cần định giá được giá trị của nó. Định giá như thế nào để thuận mua – vừa bán với người mua(nhà đâu tư). Cao quá sẽ không ai mua cổ phần cả. Giá trị định giá chỉ có hiệu lực khi có người nào đó đồng ý mua cổ phần.Ví dụ: Anh định giá cho ý tưởng của mình là 100 triệu đồng. Anh sẽ đi bán 20% cổ phần lấy 20 triệu đồng từ nhà đầu tư. Giả sử nhà đầu tư X đồng ý đặt niềm tin vào A Phủ và đồng ý bỏ 20 triệu đồng ra mua 20% cổ phần dự án.
(Rất hiếm khi được nhà đầu tư mua cổ phần ở giai đoạn này. Nếu muốn biết cách thuyết phục hãy kiên nhẫn đến cuối bài.)Lúc này, số lượng cổ phần của A Phủ còn lại là 80%. Công việc của anh sau khi nhận được vốn đầu tư là phải dùng số tiền đầu tư đó, phát triển dự án của mình để có mức định giá cao hơn ở những vòng gọi vốn tiếp theo.
Cụ thể là: khi nhận được 20 triệu đồng, A Phủ mua bẫy, săn lợn và làm chuồng để nuôi lợn. Sau khi anh săn được những chú lợn giống, xây xong chuồng trại thì lại hết tiền. Anh tiếp tục đi gọi vốn đầu tư để mua thức ăn chăn nuôi, chi trả tiền thuốc thú y, để phát triển tiếp dự án của mình.
Giai đoạn 2
Vẫn giống như giai đoạn 1. A Phủ và nhà đầu tư X tiếp tục định giá lại dự án này. Với các kết quả mới, tham số mới, mọi thứ bắt đầu cụ thể, nhìn rõ hình hài của dự án hơn với: Bẫy, chuồng trại và những con lợn giống.
Giả sử 2 người định giá giá trị dự án bây giờ là 200 triệu (Nhưng vẫn phải đảm bảo thuận mua vừa bán với các nhà đầu tư sau). Số tiền cổ phần của dự án vẫn giữ nguyên: A Phủ: 80% và nhà đầu tư X: 20% nhưng giá trị cổ phần đã tăng lên gấp đôi. Giá trị 20% cổ phần của X đã tăng lên 40 triệu đồng.
A Phủ tiếp tục gọi vốn ở giai đoạn 2:
Giả sử có một nhà đầu tư Y nhìn thấy tiềm năng của dự án liền bỏ thêm 20 triệu đồng để đầu tư dự án. Và giá trị định giá cổ phần tại thời điểm này là 200 triệu + 20 triệu của nhà đầu tư Y là 220 triệu.
Tỉ lệ cổ phần được chia lại như sau:
- A Phủ: (160/220)x100 = 72.727%
- Nhà đầu tư X: (40/220)x100 = 18.181%
- Nhà đầu tư Y: (20/220)x100 = 9.09%
Ngoài ra, ở giai đoạn này, nhà đầu tư X hoặc A Phủ đều có thể bán một phần cổ phần của mình trong dự án để lấy tiền mặt. Nhà đầu tư X có thể bán 1 nửa cổ phần dự trong dự án để bảo toàn vốn của mình. Hoặc ông ta có thể bán hết cổ phần, coi như kết thúc 1 thương vụ và kiếm được một khoản lợi nhuận 100%.
Sau khi nhận được tiền từ nhà đầu tư Y, A Phủ tiếp tục phát triển dự án với sứ mệnh tăng giá trị định giá của nó lên. Anh nuôi lợn, chăm sóc để gia tăng quy mô và số lượng đàn lợn. Sau khi tiêu hết số tiền của nhà đầu tư Y. A Phủ có thêm một đàn lợn con vừa sinh sản. A Phủ tiếp tục gọi vốn vòng tiếp theo.
Giai đoạn 3
Cả 3 người lại tiếp tục định giá lại giá trị của dự án, chuẩn bị cho vòng gọi vốn tiếp theo. Giả sử, cả 3 người thống nhất giá trị định giá cho dự án này là 300 triệu. Số lượng cổ phần vẫn như giai đoạn 2, nhưng giá trị cổ phần tăng lên, như sau:
- A Phủ: 160 triệu -> 218.18 triệu
- Nhà đầu tư X: 40 triệu -> 54. 54 triệu
- Nhà đầu tư Y: 20 triệu -> 27.28 triệu
A Phủ lại tiếp tục gọi vốn giai đoạn 3. Và anh thuyết phục được nhà đầu tư Z đầu tư vào dự án 50 triệu đồng. Tổng giá trị dự án bây giờ là: 300 triệu + 50 triệu = 350 triệu đồng.
Và tỉ lệ cổ phần được chia lại như sau:
- A Phủ: (218.18/350)x100 = 62.337%
- Nhà đầu tư X: (54.54/350)X100 = 15.583%
- Nhà đầu tư Y: (27.28/350)x100 = 7.794%
- Nhà đầu tư Z: (50/350)x100 = 14.286%
Lúc này, với 20 triệu đồng ban đầu, nhà đầu tư X đã có khối tài sản giá trị 54.54 triệu. Để bảo toàn vốn đầu tư ban đầu hoặc đơn giản để lấy tiền về sử dụng vào mục đích riêng, ông bán 5.714% giá trị cổ phần cho 1 nhà đầu tư khác là X1 thu về 20 triệu đồng ban đầu. Đây không phải là vòng gọi vốn nên sẽ không định giá lại giá trị dự án mà chỉ là nhà đầu tư X muốn bán một phần cổ phần của ông ta tại giá trị định giá của dự án là 350 triệu đồng.
Và nhà đầu tư Y, với 20 triệu đồng ban đầu đã tăng lên 27,28 triệu đồng, khi đó ông Y quyết định ăn non, kết thúc thương vụ nên sẽ bán tất cổ phần của ông ta lại cho ông Y1 và kết thúc thương vụ đầu tư này với số tiền lãi là 7.28 triệu đồng.
Và tủ lệ cổ phần lúc này của ông X giảm xuống còn, ông Y1 sẽ thay thế ông Y trong danh sách các cổ đông. Và có thêm nhà đầu tư X1 trong danh sách cổ đông. Cụ thể như sau:
- A Phủ: 62.337%
- Nhà đầu tư X: 15.583% – 5.714% = 9.869%
- Nhà đầu tư Y: 0%(loại ra khỏi danh sách cổ đông)
- Nhà đầu tư Z: 14.286%
- Nhà đầu tư X1: 5.714%
- Nhà đầu tư Y1: 7.794%
Tiếp tục phát triển dự án, đàn lợn con đầu tiên của A Phủ nay đã có thể xuất chuồng, có thể bắt đầu có doanh thu nhưng số tiền của nhà đầu tư Z đã bị tiêu hết. Vậy nên họ lại tiếp tục định giá lại dự án và gọi vốn đầu tư thêm một lần nữa.
Giai đoạn 4
Lúc này, dự án đã khả quan hơn, tươi sáng hơn có thể có doanh thu luôn và khả năng phát triển rất tốt, nên các nhà đầu tư mạnh dạn định giá cho dự án này ở mức 500 triệu đồng. Khối tài sản của các cổ đông tiếp tục tăng lên:
- A Phủ: 62.337% – tương đương: 311,685 triệu đồng
- Nhà đầu tư X: 9.869%- tương đương: 49.345 triệu đồng
- Nhà đầu tư Z: 14.286% – tương đương: 71.43 triệu đồng
- Nhà đầu tư X1: 5.714% – tương đương: 28,57 triệu đồng
- Nhà đầu tư Y1: 7.794% – tương đương: 38.97 triệu đồng
Lúc này, nhà đầu tư T, đã theo dõi quá trình phát triển của dự án khá lâu, nhưng vì sợ rủi ro nên ông chưa dám đầu tư, ngay khi ông nghe tin sắp có sản phẩm và doanh thu từ đàn lợn nên ông T mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng ở giá trị định là 500 triệu, tổng giá trị định giá hiện tại là 600 triệu và tỉ lệ cổ phần được phân chia lại như sau:
- A Phủ có 311,685 triệu đồng – Tương đương: (311.685/600)x100 = 51.9475%
- Nhà đầu tư X có 49.345 triệu đồng – Tương đương: (49.345/600)x100 = 8.2241%
- Nhà đầu tư Z có 71.43 triệu đồng – Tương đương: (71.43/600)x100 = 11.905%
- Nhà đầu tư X1 có 28,57 triệu đồng – Tương đương: (28.57/600)x100 = 4.7617%
- Nhà đầu tư Y1 có 38.97 triệu đồng – Tương đương: (38.97/600)x100 = 6.495%
- Nhà đầu tư T có 100 triệu đồng – Tương đương: (100/600)x100 = 16.6667%
Có tiền từ nhà đầu tư T, A Phủ tiếp tục làm việc, thuê chuyên gia, nhân sự, mở rộng mạng lưới bán sản phẩm… tăng trưởng quy mô doanh nghiệp. Tiếp tục các vòng gọi vốn sau với hình thức tương tự.
Sau khi Sản phẩm của A Phủ rất tốt, mọi việc đi đúng hướng, mang lại lợi nhuận, sau nhiều vòng đầu tư, anh quyết định công khai doanh nghiệp (go public), niêm yết công ty lên sàn, hay gọi là IPO.
Khái Niệm IPO
Khi một công ty quyết định niêm yết cổ phiếu của mình trên sàn giao dịch chứng khoán, quá trình này được gọi là IPO (Initial Public Offering). Đây là một bước ngoặt quan trọng, giúp doanh nghiệp huy động vốn từ công chúng, đồng thời gia tăng uy tín và thương hiệu trên thị trường.
Về bản chất, IPO chỉ là một cách khác của việc kêu gọi đầu tư, nhưng lần này bạn có thể nhận tiền từ hàng triệu người. Thông qua việc IPO, công ty có thể bán cổ phần trên thị trường chứng khoán, và ai cũng có thể mua cổ phần của công ty bạn. Do đó, bạn có thể nhận được tiền đầu tư dễ dàng hơn thông qua việc bán bớt cổ phần, đây chính là lý do đầu tiên. Lý do thứ hai, trước khi IPO, những người tham gia vào dự án của bạn, bao gồm cả bạn đều giữ những cổ phiếu giới hạn – restricted stock. Bạn không thể chỉ đơn giản mang những cổ phiếu này ra chợ và bán để lấy lại tiền, vì chúng chưa được chứng thực bởi cơ quan chức năng. IPO sẽ làm việc này. Vậy nên, trước khi được kiểm chứng, ai dám chắc bạn không treo đầu dê bán thịt chó, ai dám chắc những người mua cổ phiếu của bạn sẽ không bị lừa đảo. Chính nhờ IPO, bạn và các nhà đầu tư khác có thể bán, biến lượng cổ phiếu này thành tiền thật.
Trên đây là đôi dòng tâm sự, kinh nghiệm, kiến thức và trải nghiệm của tôi. Hãy hành động đi, người kiên trì như bạn mà không thành công thì không ai có thể thành công được đâu.
Kết luận
Thiết lập mục tiêu và lập kế hoạch gọi vốn là một phần không thể thiếu trong quá trình khởi nghiệp thành công. Bằng cách xác định rõ các giai đoạn phát triển, nhu cầu tài chính, và chiến lược huy động vốn, startup có thể thu hút được sự quan tâm từ nhà đầu tư và nâng cao giá trị doanh nghiệp. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự linh hoạt mà còn cần một kế hoạch cụ thể, khả thi để đảm bảo khả năng phát triển dài hạn. Huy động vốn thành công không chỉ là về số tiền nhận được, mà còn về việc xây dựng quan hệ bền vững với các nhà đầu tư và đảm bảo rằng các cột mốc quan trọng của doanh nghiệp sẽ được thực hiện.