Doanh nghiệp mới được phép đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT

chi phi

Bộ Tài chính lại vừa ra một văn bản “con” chữa cháy liên quan đến quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với doanh nghiệp mới thành lập có tài sản trị giá trên 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, giải pháp tình thế này vẫn chưa giúp doanh nghiệp hết khổ.

         Theo công văn 5485/BTC-TCT do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký ban hành ngày 26-4, cơ quan thuế chấp nhận cho doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập được phép đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT nếu cam kết đầu tư, mua sắm thiết bị tài sản trị giá trên 1 tỉ đồng trong vòng 12 tháng, thay vì phải có sẵn.

So với yêu cầu đã được ban hành trước đó trong Thông tư 219/2013/TT-BTC, hướng dẫn này là sự gia hạn của việc áp dụng quy định. Tại điểm c, khoản 3, điều 12 của thông tư kể trên, Bộ Tài chính quy định rằng doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập muốn đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT phải “có thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định, máy móc thiết bị có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên ghi trong hóa đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị, kể cả hóa đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị trước khi thành lập”.

Nếu không đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập phải áp dụng phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp.
Quy định này đã và đang gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp. Bởi lẽ, ở thời điểm chưa thành lập, doanh nghiệp, chưa có mã số thuế thì không mua sắm tài sản. Việc mua sắm tài sản chủ yếu thực hiện sau khi doanh nghiệp đã được thành lập, được cấp mã số thuế.

Bên cạnh đó, theo hàng trăm phản hồi của doanh nghiệp trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, yêu cầu phải có tài sản cố định có giá trị trên 1 tỉ đồng là quy định không bám sát thực tế, thiếu căn cứ, gây ra rất nhiều khó khăn khi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp mới thành lập, hạn chế cơ hội lập nghiệp của những người trẻ… nhưng không đạt được mục đích quản lý của cơ quan chức năng là ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn khống.

Ở thời điểm hiện tại, tuy không có số liệu thống kê chính thức nhưng có rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn vì yêu cầu phải có tài sản cố định trên 1 tỉ đồng. Có doanh nghiệp xây dựng phải hủy hợp đồng vì không được khấu trừ hóa đơn đầu vào, có doanh nghiệp đã nhập hàng về nhưng vì vướng quy định lại chưa bán hàng ra, thậm chí doanh nghiệp này còn tính đến phương án đi mua một doanh nghiệp nào đó đã đăng ký từ trước nhưng không còn hoạt động để hợp thức hóa mọi việc…
Vì vậy, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, công văn của Bộ Tài chính chỉ mang tính tạm thời, không giải quyết được bản chất của vấn đề là “đòi hỏi vô lý” về tài sản cố định trên 1 tỉ đồng đối với doanh nghiệp mới thành lập mà bộ này đã quy định.

Trở lại với công văn 5485 kể trên, để được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT, doanh nghiệp phải cung cấp bộ hồ sơ cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp gồm: (1) thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế; (2) hồ sơ đăng ký thuế; (3) bản photocopy có đóng dấu sao y bản chính của phương án đầu tư được người có thẩm quyền phê duyệt, và (4) văn bản cam kết đầu tư, mua sắm tài sản cố định máy móc, thiết bị có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên trong thời gian 12 tháng.
Trong thời gian này, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã chưa đủ điều kiện thực hiện cam kết thì sẽ không được phát hành hóa đơn.

 

Doanh Nghiệp Mới được Phép đăng Ký Tự Nguyện áp Dụng Phương Pháp Khấu Trừ Thuế GTGT